Các tiêu chuẩn an toàn cho xe ô tô như độ nhạy của phanh, phanh xe khi khẩn cấp, bộ phận camera quan sát, áp suất lốp đúng chuẩn, khả năng chịu lực là yêu cầu bắt buộc cần đảm bảo đối với ô tô. Đối với tài xế mới, thường chưa biết cách sử dụng các thiết bị an toàn trên xe, điều này dễ dẫn đến sự lúng túng khi sử dụng và nhiều tính huống có thể dẫn đến tai nạn không đáng có. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về những tiêu chuẩn an toàn dành cho tài xế mới để giữ an toàn cho người lái và cả ô tô.
1. Tiêu chuẩn phanh xe an toàn:
Phanh xe là thiết bị quan trọng, có tần suất sử dụng gần như cao nhất trên xe. Phanh ô tô chia thành phanh tay và phanh chân. Phanh tay cơ học hiện nay phần lớn được thay thế bằng phanh tay điện tử. Phanh xe cần đảm bảo độ nhạy cần thiết và lực phanh ổn định.
Phanh chân hoạt động dựa vào cơ cấu giảm tốc bánh xe, tăng lực ma sát của bánh với mặt đường làm xe chậm dần và ngừng hẳn khi tài xế đạp phanh. Với xe di chuyển bình thường trên đường êm, bằng phẳng, xe sẽ ngừng từ từ khi đạp chân phanh nhiều lần. Tuy nhiên có những trường hợp gặp vật cản bất ngờ, tài xế mất bình tĩnh, lực đạp phanh không đủ lớn. Phanh tự động hay còn gọi là phanh cảm biến, là thiết bị cần thiết trong những tình huống khẩn cấp trên.
Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp có tên tiếng Anh là Brake Assist System (BAS). Hệ thống tự nhận biết khi người lái cần phanh gấp hơn bình thường, và đẩy lực phanh đến mức tối đa. Nhưng khi phanh đột ngột với lực đạp phanh mạnh, bánh xe thường bị bó cứng, rê trượt trên đường rất nguy hiểm. Lúc này hệ thống chống bó cứng ABS (Anti-Locking Brake System) sẽ nhấp thả phanh liên tục thay tài xế, không để bánh xe bị siết chặt. Kết hợp cả hai hệ thống phanh gấp và chống bó bánh, xe vừa đạt được ngưỡng phanh cực đại nhất mà bánh không bị bó cứng, gây nguy hiểm.
Ngoài ra, có những lúc tài xế không biết có tình huống nguy hiểm sắp xảy ra, như có xe đi tới với tốc độ cao hoặc có người đi bộ ở vị trí tài xế không nhìn thấy. Hệ thống tự động phanh khẩn cấp Automatic Emergency Braking (AEB) sẽ tự động tính toán và phân tích được các tình huống nguy hiểm. AEB sẽ tự động phanh gấp, dừng xe hoàn toàn mà không cần đến tài xế nhấn phanh, giúp ngăn tai nạn hoặc giảm bớt tác động khi va chạm.
Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp điều chỉnh lực phanh đến mức tối đa
2. Những tiêu chuẩn về tầm nhìn, quan sát:
Tầm nhìn bao quát trong lúc lái xe là tiêu chuẩn thứ hai đảm bảo xe đi đúng làn đường và tránh va chạm không đáng có. Đa phần các va chạm, tai nạn thường xảy ra tại những điểm mù mà tài xế không thể quan sát được. Vì vậy mà việc lắp đặt một số hệ thống hỗ trợ việc quan sát xung quanh xe khi di chuyển trên đường là cần thiết.
Một trong những thiết bị hỗ trợ quan sát là kính chiếu hậu, tài xế có thể nhìn thấy được phía sau và hai bên hông xe. Điều này giúp tài xế tránh va chạm với xe khác hoặc biết cách xử lý nhanh các tình huống như chuyển làn xe an toàn.
Ngoài ra, một hệ thống quan sát khác là camera 360 được gắn gần như xung quanh xe. Hệ thống sẽ nhận tín hiệu và hiển thị hình ảnh trên màn hình trung tâm, kể cả những góc khuất, điểm mù khó quan sát bằng mắt và kính chiếu hậu. Tài xế dễ dàng quan sát được bao quát toàn bộ khu vực gần vị trí xe đang di chuyển, kịp thời xử lý khi có sự cố sắp xảy ra.
3. Những tiêu chuẩn an toàn khi va chạm:
Việc đảm bảo an toàn cho người lái, hành khách khi gặp sự cố, tai nạn là điều cần thiết. Vì vậy hầu hết các loại xe đều được yêu cầu có túi khí và dây đai. Dây đai giúp cản người ngồi trên xe va chạm mạnh với vật dụng trước mặt, giảm thương tích. Tuy nhiên, gia tốc trên xe vẫn có thể khiến tài xế va đập mạnh với vô lăng, lúc này túi khí hoạt động như một miếng đệm bung ra khi có va chạm mạnh, giảm chấn thương vùng đầu, ngực. Ngoài ra, các loại xe ô tô trước khi được đưa ra thị trường cũng được xem xét đánh giá khả năng chịu lực, đảm bảo xe chịu được một lực ở ngưỡng nhất định mà không bị hư hỏng khi va chạm.
4. Tiêu chuẩn về áp suất lốp xe:
Theo kinh nghiệm lái xe đường trường, lốp non hơi là nguyên nhân gây tai nạn, ngược lại lốp quá căng khiến giảm ma sát, dễ trơn trượt khi đường ướt. Vì vậy, các tài xế cần chú ý đến áp suất lốp ô tô, lượng hơi bơm chỉ nên bằng với chỉ số tiêu chuẩn. Chỉ số áp suất lốp được in bên hông, trên thành cửa xe là chỉ số áp suất lốp tiêu chuẩn.
Nên kiểm tra áp suất lốp bằng dụng cụ chuyên dụng trước khi khởi hành
Để chắc chắn về lượng hơi bơm vào lốp, nên có các dụng cụ đo áp suất lốp chuyên dụng để tránh sự cảm tính khi bơm lốp xe, đảm bảo lốp không quá non hơi hoặc quá căng. Một thiết bị chuyên dụng dùng để đo áp suất lốp là cảm biến áp suất lốp TPMS, hỗ trợ tài xế kiểm tra áp suất lốp xe trước khi khởi hành. Các thông số về nhiệt độ, áp suất lốp sẽ hiển thị trên màn hình thiết bị cảm biến và phát tín hiệu cảnh báo nếu chỉ số thấp hơn hay vượt quá áp suất tiêu chuẩn cho tài xế đang ở trên xe.
Bridgestone luôn chú trọng đến các tiêu chuẩn áp suất lốp an toàn. Khi lựa chọn lốp từ Bridgstone hoặc bảo dưỡng xe, tài xế được hướng dẫn thông tin và kiểm tra đầy đủ các yếu tố đảm bảo an toàn cho ô tô, cũng chính là đảm bảo an toàn tối đa cho người lái xe.