Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là gì? Chi phí và quyền lợi

Chia Sẻ

09/07/2025 | Bridgestone Team


Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định pháp luật. Đây không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là một hình thức bảo vệ tài chính quan trọng cho người sở hữu ô tô. Để hiểu rõ hơn về quyền lợi, phạm vi chi trả và những lưu ý khi tham gia bảo hiểm, hãy cùng Bridgestone khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là gì?

Ý nghĩa của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Mức phí của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô bắt buộc (theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP)

Phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải

Phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô kinh doanh vận tải

Phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô chở hàng (xe tải)

Phạm vi rủi ro được bảo vệ của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Các trường hợp thuộc phạm vi bảo hiểm

Các trường hợp không được bảo hiểm bồi thường

Quyền lợi bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc ô tô

Mức bồi thường bảo hiểm

Thời hạn bảo hiểm

Tạm ứng số tiền bồi thường bảo hiểm

Mua bảo hiểm bắt buộc ô tô ở đâu? Mua bảo hiểm ô tô online được không?

Mức xử phạt các lỗi liên quan đến bảo hiểm bắt buộc ô tô theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2025)?

Lỗi không mua hoặc không mang theo bảo hiểm bắt buộc ô tô phạt bao nhiêu?

Lỗi sử dụng bảo hiểm ô tô hết hạn phạt bao nhiêu?

Tại sao tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô là bắt buộc?

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là gì?

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô hay còn gọi là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là loại bảo hiểm mà mọi chủ xe ô tô phải mua khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Theo Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, đây là loại bảo hiểm có chức năng bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản gây ra đối với hành khách trên xe và bên thứ ba do xe ô tô tham gia giao thông gây ra

Mục đích chính của bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đồng thời hỗ trợ tài chính cho chủ xe khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Đây là một trong những giấy tờ bắt buộc khi đăng kiểm xe hoặc khi lưu thông trên đường nếu không có chủ xe sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Vì vậy việc nắm rõ thông tin về loại bảo hiểm này sẽ giúp bạn an tâm hơn khi sử dụng phương tiện.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là bảo hiểm bắt buộc mà tất cả chủ xe ô tô phải mua khi tham gia giao thông tại Việt Nam (Nguồn: Sưu tầm)

Ý nghĩa của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô có ý nghĩa quan trọng đối với cả người điều khiển phương tiện và cộng đồng. Trước hết, đây là một hình thức bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba trong các tình huống tai nạn giao thông. Đối với chủ xe, loại bảo hiểm này giúp giảm bớt áp lực tài chính khi xảy ra sự cố không mong muốn. Việc có bảo hiểm cũng thể hiện sự tuân thủ pháp luật vì đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc khi lưu thông phương tiện trên đường. Nhìn chung bảo hiểm trách nhiệm dân sự góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và có trách nhiệm hơn trong xã hội.

Ý nghĩa của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô có ý nghĩa quan trọng đối với cả người điều khiển phương tiện và cộng đồng (Nguồn: Sưu tầm)

>> Xem thêm: Thủ tục giấy tờ đăng kiểm xe ô tô mới nhất 2025 theo quy định

Mức phí của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô bắt buộc (theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP)

Phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải

TT

Loại xe

Phí bảo hiểm/ năm (chưa gồm thuế GTGT) (đồng)

1

Loại xe dưới 6 chỗ ngồi

437.000

2

Loại xe từ 6 đến 11 chỗ ngồi

794.000

3

Loại xe từ 12 đến 24 chỗ ngồi

1.270.000

4

Loại xe trên 24 chỗ ngồi

1.825.000

5

Xe vừa chở người vừa chở hàng (Pickup, minivan)

437.000

 

Phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô kinh doanh vận tải

TT

Loại xe

Phí bảo hiểm/ năm (chưa gồm thuế GTGT) (đồng)

1

Dưới 6 chỗ ngồi theo đăng ký

756.000

2

6 chỗ ngồi theo đăng ký

929.000

3

7 chỗ ngồi theo đăng ký

1.080.000

4

8 chỗ ngồi theo đăng ký

1.253.000

5

9 chỗ ngồi theo đăng ký

1.404.000

6

10 chỗ ngồi theo đăng ký

1.512.000

7

11 chỗ ngồi theo đăng ký

1.656.000

8

12 chỗ ngồi theo đăng ký

1.822.000

9

13 chỗ ngồi theo đăng ký

2.049.000

10

14 chỗ ngồi theo đăng ký

2.221.000

11

15 chỗ ngồi theo đăng ký

2.394.000

12

16 chỗ ngồi theo đăng ký

3.054.000

13

17 chỗ ngồi theo đăng ký

2.718.000

14

18 chỗ ngồi theo đăng ký

2.869.000

15

19 chỗ ngồi theo đăng ký

3.041.000

16

20 chỗ ngồi theo đăng ký

3.191.000

17

21 chỗ ngồi theo đăng ký

3.364.000

18

22 chỗ ngồi theo đăng ký

3.515.000

19

23 chỗ ngồi theo đăng ký

3.688.000

20

24 chỗ ngồi theo đăng ký

4.632.000

21

25 chỗ ngồi theo đăng ký

4.813.000

22

Trên 25 chỗ ngồi

[4.813.000 + 30.000 x (số chỗ ngồi - 25 chỗ)]

23

Xe vừa chở người vừa chở hàng (Pickup, minivan)

933.000

 

Phí bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô chở hàng (xe tải)

TT

Loại xe

Phí bảo hiểm/ năm (chưa gồm thuế GTGT) (đồng)

1

Dưới 3 tấn

853.000

2

Từ 3 đến 8 tấn

1.660.000

3

Trên 8 đến 15 tấn

2.746.000

4

Trên 15 tấn

3.200.000

Căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm với mức tăng, giảm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm nêu trên. 

>> Xem thêm

- Tổng chi phí đăng kiểm xe ô tô mới nhất là bao nhiêu?

- Bật mí chi phí nuôi xe ô tô hàng tháng mà các tài xế cần lưu ý

Phạm vi rủi ro được bảo vệ của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Các trường hợp thuộc phạm vi bảo hiểm

Mỗi xe cơ giới chỉ được tham gia một hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc duy nhất tại một thời điểm. Điều này được quy định rõ trong Nghị định 67/2023/NĐ-CP (Cụ thể, Điều 4, Khoản 4 của Nghị định 67/2023/NĐ-CP nêu rõ: "Trong bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đối với mỗi xe cơ giới, trách nhiệm bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ phát sinh theo một hợp đồng bảo hiểm duy nhất."). 

Tuy nhiên, chủ phương tiện có quyền tham gia các loại bảo hiểm tự nguyện khác (như bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm tai nạn lái phụ xe, v.v.) nếu có nhu cầu, ngoài bảo hiểm bắt buộc.

Các trường hợp thuộc phạm vi bảo hiểm:

- Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.

- Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.

Phạm vi rủi ro được bảo vệ của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Phạm vi rủi ro được bảo vệ của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô hiện nay (Nguồn: Sưu tầm)

>> Xem thêm: Những lưu ý cho người mới lái xe ô tô

Các trường hợp không được bảo hiểm bồi thường

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không bồi thường đối với những thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.

- Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

- Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: Giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

- Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.

- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

- Thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.

Quyền lợi bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc ô tô

Mức bồi thường bảo hiểm

+ Mức bồi thường bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe và tính mạng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức chi trả tối đa của bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng cho bên thứ ba hoặc hành khách là 150 triệu đồng cho mỗi người trong một vụ tai nạn. Mức bồi thường cụ thể sẽ được xác định dựa trên từng loại thương tật, thiệt hại theo Phụ lục VI của Nghị định 67/2023/NĐ-CP và một số yếu tố khác theo quy định hoặc theo sự thỏa thuận giữa các bên liên quan, nhưng không được vượt quá giới hạn quy định tại Phụ lục VI của Nghị định này. Nếu có phán quyết của Tòa án thì việc bồi thường sẽ căn cứ theo nội dung phán quyết, tuy nhiên không được vượt quá giới hạn tại Phụ lục VI của Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

+ Mức bồi thường bảo hiểm đối với thiệt hại tài sản

Với tổn thất tài sản, theo điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng cho mỗi vụ tai nạn do ô tô gây ra. Căn cứ để xác định số tiền bồi thường bao gồm giá trị thiệt hại thực tế và mức độ lỗi của chủ xe cơ giới, theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 12 của Nghị định. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ các yếu tố trên và một số yếu tố khác theo quy định để tính toán khoản chi trả phù hợp, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng trong mỗi vụ việc như trên.

Thời hạn bảo hiểm

Dựa theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, thời hạn của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự dành cho ô tô và xe máy được quy định tối thiểu là 01 năm và không vượt quá 03 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt có thời hạn dưới 01 năm.

Điều này đồng nghĩa với việc chủ xe ô tô hiện nay có thể lựa chọn mua bảo hiểm bắt buộc với thời hạn kéo dài tối đa đến 03 năm tùy theo nhu cầu sử dụng.

Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô

Chủ xe ô tô có thể mua bảo hiểm bắt buộc với thời hạn kéo dài tối đa đến 03 năm (Nguồn: Sưu tầm)

Tạm ứng số tiền bồi thường bảo hiểm

Theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, thủ tục bồi thường bảo hiểm ô tô bắt buộc được thực hiện như sau:

Bước 1: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm thông báo ngay tai nạn cho cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thông báo ngay vào đường dây nóng của công ty bảo hiểm để phối hợp giải quyết theo hướng dẫn. Sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử trong vòng 05 ngày làm việc, trừ trường hợp trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng.

Bước 2: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giám định tổn thất.

Trong 01 giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm trong vòng 24 giờ.

Bước 3: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

* Mức tạm ứng:

- Trường hợp đã xác định vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường:

+ Trường hợp tử vong: Tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

+ Trường hợp tổn thương bộ phận: Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

- Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ Trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên: Tạm ứng 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

+ Trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%: Tạm ứng 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ.

* Thời hạn trả tạm ứng: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm nhận được thông báo về vụ tai nạn từ người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

Bước 4: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Hồ sơ đề nghị bồi thường bảo hiểm bao gồm:

1 - Văn bản yêu cầu bồi thường.

2 - Tài liệu liên quan đến xe, người lái xe (Bản sao công chứng hoặc Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính hoặc bản ảnh chụp):

- Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (trường hợp không có giấy đăng ký xe).

- Giấy phép lái xe.

- Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm.

3 - Tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):

- Giấy chứng nhận thương tích.

- Hồ sơ bệnh án.

- Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn.

4 - Tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản:

- Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).

- Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

5 - Quyết định của Tòa án (nếu có).

Các giấy tờ khác trong hồ sơ hợp lệ sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập.

Bước 5: Người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm nhận tiền bồi thường bảo hiểm theo thông báo của doanh nghiệp bảo hiểm.

Mua bảo hiểm bắt buộc ô tô ở đâu? Mua bảo hiểm ô tô online được không?

Hiện nay, bảo hiểm bắt buộc ô tô được cung cấp rộng rãi trên thị trường với nhiều lựa chọn đa dạng. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận và mua bảo hiểm tại nhiều địa điểm khác nhau tùy theo nhu cầu.

Nếu muốn mua bảo hiểm bản giấy, bạn có thể đến trực tiếp trụ sở của các công ty bảo hiểm, đại lý phân phối, ngân hàng hoặc thậm chí tại một số cây xăng. Ngoài ra, hình thức mua online cũng rất phổ biến và tiện lợi. Bạn có thể đặt mua qua các ứng dụng như ViettelPay, Momo, Lazada, Grab hoặc truy cập trực tiếp vào website của các hãng bảo hiểm để đăng ký nhanh chóng.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô được cung cấp rộng rãi trên thị trường

Bảo hiểm bắt buộc ô tô được cung cấp rộng rãi trên thị trường với nhiều lựa chọn đa dạng (Nguồn: Sưu tầm)

>> Tham khảo: Lỗi thay kích cỡ lốp xe phạt bao nhiêu?

Mức xử phạt các lỗi liên quan đến bảo hiểm bắt buộc ô tô theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2025)

Lỗi không mua hoặc không mang theo bảo hiểm bắt buộc ô tô phạt bao nhiêu?

Nếu người điều khiển ô tô không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt dao động từ 400.000 - 600.000 VNĐ.

Lỗi sử dụng bảo hiểm ô tô hết hạn phạt bao nhiêu?

Người điều khiển ô tô hoặc phương tiện tương tự ô tô sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đã hết hiệu lực sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 400.000 - 600.000 VNĐ.

Tại sao tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô là bắt buộc?

Việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô là bắt buộc vì đây là một trong những yêu cầu của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba trong các vụ tai nạn giao thông. Khi xảy ra sự cố, bảo hiểm sẽ thay mặt chủ xe bồi thường cho người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính cho người gây tai nạn và đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, thúc đẩy sự an toàn cho toàn xã hội. Việc bắt buộc tham gia loại hình bảo hiểm này giúp tạo ra một hệ thống hỗ trợ pháp lý và tài chính đồng đều, hạn chế các tranh chấp và rủi ro không đáng có trong quá trình lưu thông trên đường.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật mà còn là một công cụ bảo vệ quan trọng giúp bạn giảm thiểu rủi ro tài chính khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Bảo hiểm giúp giảm thiểu gánh nặng chi phí bồi thường cho bên thứ ba, thể hiện trách nhiệm của chủ xe và góp phần bảo vệ quyền lợi của những người bị ảnh hưởng. 

Bridgestone luôn đề cao tiêu chí an toàn và hướng đến giá trị cộng đồng trong chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Với ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội, Bridgestone tiên phong triển khai các dự án bảo vệ môi trường, tích cực hỗ trợ cộng đồng địa phương, và đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động giao thông an toàn thông qua công nghệ lốp tiên tiến cùng các giải pháp di chuyển thông minh. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm mà còn là kiến tạo một tương lai bền vững cho mọi người. 

Để đảm bảo an toàn và độ tin cậy trong mỗi chuyến đi, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật và sở hữu bảo hiểm đầy đủ, việc lựa chọn lốp xe và phụ kiện chất lượng cao, phù hợp là vô cùng cần thiết. Để được tư vấn chi tiết các sản phẩm lốp tốt nhất cho xe của bạn, vui lòng liên hệ với Bridgestone qua: 

📧 https://www.facebook.com/Bridgestonetirevietnam/

📞 1900 54 54 68

>> Xem thêm:

- Mức phạt lỗi đi vào đường cấm ô tô 2025 là bao nhiêu, trừ mấy điểm GPLX theo Nghị định 168?

- Mức xử phạt lỗi đi sai làn đường đối với ô tô, xe máy theo Nghị định 168 năm 2025

Tag: bảo dưỡng xe ô tô định kỳđịnh mức tiêu hao nhiên liệuquy trình bảo hiểm thân vỏ ô tôbảo hiểm thân vỏ ô tôthời hạn đăng kiểm xe ô tô