02/07/2025 | Bridgestone Team
Biển báo cấm là một trong những loại biển báo quan trọng giúp đảm bảo trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Việc hiểu rõ ý nghĩa, hình dạng và cách áp dụng của từng loại biển cấm sẽ giúp bạn di chuyển đúng luật, tránh bị xử phạt và hạn chế tối đa tai nạn. Hãy cùng Bridgestone khám phá chi tiết các loại biển báo cấm phổ biến tại Việt Nam trong bài viết dưới đây.
Biển báo cấm là gì?
Biển báo cấm là loại biển báo giao thông dùng để thông báo những hành vi mà người điều khiển phương tiện không được phép thực hiện trên đoạn đường nhất định.
Hầu hết các biển báo cấm đều có hình tròn, viền đỏ, nền trắng và biểu tượng màu đen ở giữa thể hiện nội dung cấm, trừ một vài trường hợp đặc biệt có thiết kế khác biệt.
Trong hệ thống ký hiệu, biển cấm được phân loại với mã ký hiệu là P (ký hiệu các lệnh cấm) và DP (biểu thị kết thúc hiệu lực của lệnh cấm).

Biển báo cấm có chức năng thông báo những hành vi mà người điều khiển phương tiện không được làm trên một đoạn đường nhất định (Nguồn: Sưu tầm)
Ý nghĩa của các loại biển báo cấm cần nên biết
Nhóm biển báo cấm từ 101 – 120
- Biển số P.101 “Đường cấm”: Dùng để báo đường cấm các loại phương tiện đi lại cả hai hướng, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.102 “Cấm đi ngược chiều”: Dùng để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định; người đi bộ được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường.
- Biển số P.103a “Cấm xe ô tô”: Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kể cả xe máy 3 bánh có thùng đi qua, trừ xe máy 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.103b “Cấm xe ô tô rẽ phải”: Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kể cả xe máy 3 bánh có thùng rẽ phải, trừ xe máy 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.103c "Cấm xe ô tô rẽ trái": Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kể cả xe máy 3 bánh có thùng rẽ trái, trừ xe máy 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.104 “Cấm xe máy”: Dùng để báo đường cấm các loại xe máy, trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Biển không có giá trị cấm những người dắt xe máy.
- Biển số P.105 “Cấm xe ô tô và xe máy”: Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới và xe máy đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.106a “Cấm xe ô tô tải”: Dùng để báo đường cấm các loại xe ô tô tải trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Biển có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng đi vào đoạn đường đặt biển.
- Biển số P.106b “Cấm xe ô tô tải”: Dùng để báo đường cấm các loại xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) lớn hơn một giá trị nhất định.
- Biển số P.106c “Cấm các xe chở hàng nguy hiểm”: Dùng để báo đường cấm các xe chở hàng nguy hiểm.
- Biển số P.107 “Cấm xe ôtô khách và xe ô tô tải”: Dùng để báo đường cấm xe ô tô chở khách và các loại xe ô tô tải kể cả các loại máy kéo và xe máy chuyên dùng đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.107a “Cấm xe ô tô khách”: Dùng để báo đường cấm ô tô chở khách đi qua trừ các xe ưu tiên theo quy định. Biển này không cấm xe buýt.
- Biển số P.107b “Cấm xe ô tô taxi”: Dùng để báo đường cấm xe ô tô taxi đi lại.
- Biển số P.108 “Cấm xe kéo rơ-moóc”: Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kéo theo rơ-moóc kể cả xe máy, máy kéo, ô tô khách kéo theo rơ-moóc đi lại, trừ loại ô tô sơ-mi-rơ-moóc và các xe được ưu tiên (có kéo theo rơ-moóc) theo quy định.
- Biển số P.108a “Cấm xe sơ-mi rơ-moóc”: Dùng để báo đường cấm các loại xe sơ-mi rơ-moóc và các xe kéo rơ- moóc trừ các xe được ưu tiên (có dạng xe sơ-mi rơ-moóc hoặc có kéo theo rơ-moóc) theo quy định.
- Biển số P.109 “Cấm máy kéo”: Dùng để báo đường cấm các loại máy kéo, kể cả máy kéo bánh hơi và bánh xích đi qua.
- Biển số P.110a “Cấm xe đạp”: Dùng để báo đường cấm xe đạp đi qua. Biển không có giá trị cấm những người dắt xe đạp.
- Biển số P.110b “Cấm xe đạp thồ”: Dùng để báo đường cấm xe đạp thồ đi qua. Biển này không cấm người dắt loại xe này.
- Biển số P.111a “Cấm xe gắn máy”: Dùng để báo đường cấm xe gắn máy đi qua. Biển không có giá trị đối với xe đạp.
- Biển số P.111b “Cấm xe ba bánh loại có động cơ” và Biển số P.111c “Cấm xe ba bánh loại có động cơ”: Dùng để báo đường cấm xe ba bánh loại có động cơ như xe lam, xe xích lô máy, xe lôi máy,....
- Biển số P.111d “Cấm xe ba bánh loại không có động cơ”: Dùng để báo đường cấm xe ba bánh loại không có động cơ như xe xích lô, xe lôi đạp,...
- Biển số P.112 “Cấm người đi bộ”: Dùng để báo đường cấm người đi bộ qua lại.
- Biển số P.113 “Cấm xe người kéo, đẩy”: Dùng để báo đường cấm xe thô sơ, chuyển động do người kéo, đẩy đi qua. Biển không có giá trị cấm những xe nôi của trẻ em và phương tiện chuyên dùng để đi lại của những người tàn tật.
- Biển số P.114 “Cấm xe vật nuôi kéo”: Dùng để báo đường cấm súc vật vận tải hàng hóa hoặc hành khách dù kéo xe hay chở trên lưng đi qua.
- Biển số P.115 “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe”: Dùng để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
- Biển số P.116 “Hạn chế tải trọng trên trục xe”: Dùng để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (cả xe và hàng) phân bổ trên một trục bất kỳ của xe (tải trọng trục xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
- Biển số P.117 “Hạn chế chiều cao”: Dùng để báo hạn chế chiều cao của xe. Biển có hiệu lực cấm các xe (cơ giới và thô sơ) có chiều cao vượt quá trị số ghi trên biển đi qua, kể cả các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.118 “Hạn chế chiều ngang xe”: Dùng để báo hạn chế chiều ngang của xe. Biển có hiệu lực cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định có chiều ngang (kể cả xe và hàng hóa) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
- Biển số P.119 “Hạn chế chiều dài xe”: Dùng để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có độ dài toàn bộ kể cả xe và hàng lớn hơn trị số ghi trên biển đi qua.
- Biển số P.120 “Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc”: Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kéo theo moóc kể cả ô tô sơ-mi-rơ-moóc và các loại xe được ưu tiên kéo moóc theo quy định, có độ dài toàn bộ kể cả xe, moóc và hàng lớn hơn trị số ghi trên biển đi qua.
Nhóm các loại biển báo cấm từ 121 - 140
- Biển số P.121 “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”: Dùng để báo xe ô tô phải đi cách nhau một khoảng tối thiểu
- Biển số P.123a “Cấm rẽ trái”: Dùng để báo cấm rẽ trái (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau; biển không cấm quay đầu xe. Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang phía trái trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.123b “Cấm rẽ phải”: Để báo cấm rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau; biển không cấm quay đầu xe. Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang phía phải trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.124a và P.124b “Cấm quay đầu xe”: Dùng để báo cấm các loại xe quay đầu (theo kiểu chữ U); chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm quay đầu xe; biển không cấm rẽ trái để đi sang hướng đường khác. Biển P.124a có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) trừ các xe được ưu tiên theo quy định còn biển P.124b cấm xe ô tô và xe máy 3 bánh (sidecar) trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.124c “Cấm rẽ trái và quay đầu xe”: Dùng để báo cấm các loại xe rẽ trái đồng thời cấm quay đầu.
- Biển số P.124d “Cấm rẽ phải và quay đầu xe”: Dùng để báo cấm các loại xe rẽ phải đồng thời cấm quay đầu.
- Biển số P.124e “Cấm ô tô rẽ trái và quay đầu xe”: Dùng để báo cấm xe ô tô rẽ trái và đồng thời cấm quay đầu.
- Biển số P.124f “Cấm ô tô rẽ phải và quay đầu xe”: Dùng để báo cấm xe ô tô rẽ phải và đồng thời cấm quay đầu.
- Biển số P.125 “Cấm vượt”: Dùng để báo cấm các loại xe cơ giới vượt nhau. Biển có hiệu lực cấm tất cả các loại xe cơ giới vượt nhau (kể cả xe được ưu tiên theo quy định) nhưng được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy.
- Biển số P.126 “Cấm xe ô tô tải vượt”: Dùng để báo cấm các loại ô tô tải vượt xe cơ giới khác; biển không cấm các loại xe cơ giới khác vượt nhau và vượt ô tô tải. Biển có hiệu lực cấm các loại ôtô tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn 3.500 kg kể cả các xe được ưu tiên theo quy định vượt xe cơ giới khác. Được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy.
- Biển số P.127 “Tốc độ tối đa cho phép”: Dùng để báo tốc độ tối đa cho phép các xe cơ giới chạy. Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới chạy với tốc độ tối đa vượt quá trị số ghi trên biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
- Biển số P.127a “Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm”: Dùng để quy định tốc độ tối đa về ban đêm cho các phương tiện.
- Biển số P.127b “Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường”: Dùng để quy định tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường.
- Biển số P.127c “Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện, trên từng làn đường”: Dùng để quy định tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện trên từng làn đường.
- Biển số DP.127 “Biển hết tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép”: Dùng để báo hết đoạn đường tốc độ tối đa cho phép.
- Biển số P.128 “Cấm sử dụng còi”: Dùng để báo cấm các loại xe sử dụng còi.
- Biển số P.129 “Kiểm tra”: Dùng để báo nơi đặt trạm kiểm tra; các loại phương tiện vận tải qua đó phải dừng lại để làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát theo quy định.
- Biển số P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”: Dùng để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển.
- Biển số P.131a, P.131b và P.131c “Cấm đỗ xe”: Dùng để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển. Riêng biển số P.131b chỉ có hiệu lực cấm vào những ngày lẻ và biển số P.131c chỉ vào những ngày chẵn.
- Biển số P.132 “Nhường đường cho xe cơ giới đi ngược chiều qua đường hẹp”: Dùng để báo các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên phải nhường đường cho các loại xe cơ giới đang đi theo hướng ngược lại qua các đoạn đường hẹp hoặc cầu hẹp.
- Biển số DP.133 “Hết cấm vượt”: Dùng để báo hết đoạn đường cấm vượt.
- Biển số DP.134 “Hết tốc độ tối đa cho phép”: Dùng để báo hết đoạn đường tốc độ tối đa.
- Biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”: Dùng để báo hết đoạn đường mà nhiều biển báo cấm cùng hết hiệu lực.
- Biển số P.136 “Cấm đi thẳng”: Đường ở phía trước cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng.
- Biển số P.137 “Cấm rẽ trái, rẽ phải”: Các ngả đường phía trước cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) rẽ trái hay rẽ phải.
- Biển số P.138 “Cấm đi thẳng, rẽ trái”: Biểu thị đường qua nút giao cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng, rẽ trái.
- Biển số P.139 “Cấm đi thẳng, rẽ phải”: Biểu thị đường qua nút giao cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng, rẽ phải.
- Biển số P.140 “Cấm xe công nông và các loại xe tương tự”: Dùng để báo đường cấm xe công nông.
>> Xem thêm: Danh sách biển số xe các tỉnh, thành phố ở Việt Nam sau sáp nhập [Cập nhật 1/7/2025]
Những lưu ý quan trọng cần nhớ về biển báo cấm
Các loại biển báo cấm theo khung giờ
Một số biển cấm giao thông không có hiệu lực toàn thời gian mà chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Biển cấm theo khung giờ thường được đặt ở các tuyến đường đông đúc, khu vực nội đô hoặc gần trường học, chợ, bệnh viện.
Biển sẽ ghi rõ thời gian áp dụng như “6h – 9h” hoặc “16h – 19h” để người điều khiển phương tiện căn cứ và điều chỉnh lộ trình di chuyển phù hợp. Trường hợp cấm theo khung giờ cụ thể, biển phụ S.508 sẽ được lắp đặt bên dưới biển cấm, có thể kèm theo chú thích tiếng Việt và tiếng Anh (tại khu vực có nhiều người nước ngoài hoặc tuyến đường đối ngoại).

Luôn quan sát kỹ các biển phụ đi kèm để hiểu rõ hơn về đối tượng, thời gian hoặc phạm vi cấm (Nguồn: Sưu tầm)
Chi tiết về các vị trí đặt biển cấm theo hướng đi và hiệu lực của biển cấm
- Vị trí đặt biển báo: Biển báo cấm thường được đặt ở nơi giao nhau giữa các đường hoặc trước vị trí trên đường cần cấm.
- Hiệu lực biển cấm: Biển cấm có hiệu lực từ vị trí đặt biển trở đi. Nếu vì lý do bất khả kháng phải đặt biển cách xa vị trí bị cấm thì cần đặt thêm biển phụ số S.502 để định rõ khoảng cách từ sau biển cấm đến vị trí bắt đầu có hiệu lực.
- Biển phụ S.503: Biển báo phụ số S.503 “Hướng dẫn tác dụng của biển” được đặt khi cần chỉ ra hướng tác dụng của biển và vị trí bắt đầu hoặc vị trí kết thúc hiệu lực của biển báo cấm.
- Các biển báo cấm từ biển số P.101 đến biển số P.120: không cần quy định phạm vi có hiệu lực của biển, không có biển báo hết cấm.
- Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm đi qua các nút giao (trừ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lấn chiếm mà phương tiện chỉ có thể ra rẽ, vào khu đất bằng một lối đi chung), biển cấm phải được nhắc lại đặt phía sau nút giao theo hướng đường đang có biển cấm, trừ các trường hợp có quy định riêng hoặc có biển phụ kèm theo.
>> Xem thêm: 8 sai lầm điều khiển ôtô các tài xế mới thường mắc phải
Mức phạt lỗi ô tô đi vào đường cấm xe ô tô
Dưới đây là mức phạt cập nhật cho một số lỗi vi phạm biển báo cấm ô tô theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP:
- Lỗi ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 9, điểm đ khoản 11): Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 VNĐ, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
- Lỗi ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển gây tai nạn giao thông (trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 11): Phạt tiền từ 20.000.000 - 22.000.000 VNĐ, trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.
Vi phạm lỗi đi vào đường cấm không chỉ khiến ô tô bị phạt mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đe dọa đến tính mạng của chính bạn và những người xung quanh. Vì vậy, nắm vững luật giao thông, đặc biệt là các biển báo, và chấp hành nghiêm chỉnh quy định là yếu tố then chốt để đảm bảo mỗi chuyến đi diễn ra an toàn và suôn sẻ.
Hiểu rõ tầm quan trọng của an toàn giao thông và trách nhiệm xã hội, Bridgestone không chỉ tập trung vào việc sản xuất lốp xe chất lượng cao mà còn cam kết phát triển một xã hội bền vững. Điều này được thể hiện rõ qua cam kết E8 từ Bridgestone, một tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, tập trung vào việc đồng kiến tạo giá trị với các đối tác để cải thiện cách con người di chuyển, sống và làm việc. Với tám giá trị cốt lõi, E8 định hướng mọi hoạt động kinh doanh của Bridgestone, từ nghiên cứu công nghệ hỗ trợ lái xe đến bảo vệ môi trường, nhằm mang đến những chuyến đi vững chắc và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau.
Bên cạnh đó, để mỗi hành trình của bạn được đảm bảo, bên cạnh việc tuân thủ luật lệ, việc lựa chọn lốp xe và phụ kiện phù hợp cũng vô cùng quan trọng. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả lái xe an toàn, hãy liên hệ với Bridgestone để được tư vấn chi tiết về các loại lốp xe chất lượng cao, phù hợp với mọi hành trình:
📧 https://www.facebook.com/Bridgestonetirevietnam/
📞 1900 54 54 68
Tag: lỗi đi sai làn đường, lỗi thay kích cỡ lốp xe, phí đăng kiểm xe ô tô, thủ tục đăng kiểm xe ô tô, quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô, bơm lốp oto mấy cân, xe số tự động, các hãng xe ô tô, lợi ích khi mua xe ô tô cũ, cách bảo dưỡng lốp xe, ý nghĩa các ký hiệu trên lốp xe