25/06/2025 | Bridgestone Team
Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản của chủ xe, giúp giảm thiểu rủi ro tài chính nếu không may xảy ra va chạm, tai nạn ngoài ý muốn đối với phương tiện. Tuy nhiên, không phải chủ xe nào cũng biết rõ quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô để hưởng quyền lợi bảo hiểm đầy đủ. Hãy cùng Bridgestone tham khảo những thông tin hữu ích trong bài viết sau để nắm rõ hơn về quy trình và điều kiện hưởng quyền lợi bảo hiểm thân vỏ ô tô.
Hướng dẫn quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô đúng chuẩn
Dù cẩn thận khi sử dụng phương tiện tham gia giao thông, nhưng không ai có thể tránh khỏi những trường hợp bất ngờ xảy ra. Trong trường hợp xe gặp tai nạn, chủ xe cần tuân thủ đúng quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô theo các bước sau để đảm bảo hưởng quyền lợi bảo hiểm:
Bước 1: Thông báo tai nạn đến đơn vị bán bảo hiểm
Bước đầu tiên trong quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô là chủ xe cần liên hệ với cán bộ phòng kinh doanh hoặc qua hotline của đơn vị bảo hiểm để thông báo về sự cố. Những thông tin cần cung cấp gồm thông tin họ tên chủ xe, số điện thoại, biển kiểm soát xe, địa điểm và quá trình xảy ra tai nạn. Từ đó, đơn vị bảo hiểm sẽ nắm bắt thông tin và thực hiện các quy trình xử lý bồi thường thiệt hại.

Chủ xe thông báo tai nạn đến đơn vị bảo hiểm (Nguồn: Sưu tầm)
>> Xem thêm:
- Cách đọc thông số lốp xe tải
- Cấu tạo của lốp xe ô tô và cách đọc các thông số trên lốp xe
Bước 2: Giữ nguyên hiện trường tai nạn
Bảo vệ và giữ nguyên hiện trường tai nạn là điều rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra nói chung và khám nghiệm hiện trường nói riêng. Sau đó, chủ xe thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền nơi gần nhất xảy ra tai nạn. Trong trường hợp gây thiệt hại nặng cho bên thứ 3 hoặc có thiệt hại do bên thứ 3 gây ra, chủ xe cần báo ngay cho cảnh sát giao thông. Nếu tai nạn tự gây ra và không liên quan đến bên khác thì chỉ cần liên hệ đơn vị bảo hiểm để xử lý.
Bước 3: Giám định tổn thất của xe ô tô
Sau khi nhận được thông báo từ chủ xe, đơn vị bảo hiểm sẽ cử nhân viên có chuyên môn đến hiện trường để kiểm tra thực tế và giám định tổn thất của xe. Đối với trường hợp mức độ tổn thất trong vụ tai nạn không quá nghiêm trọng, đơn vị bảo hiểm sẽ tiến hành giám định trực tuyến để xác định nguyên nhân cụ thể.

Nhân viên bảo hiểm đến hiện trường để kiểm tra thực tế và giám định tổn thất của xe (Nguồn: Sưu tầm)
>> Xem thêm:
- Thay vỏ xe mới cần tuân theo những nguyên tắc nào?
- 05 bộ phận ô tô dễ bị hỏng khi di chuyển nhiều trên đường
Bước 4: Lựa chọn phương pháp khắc phục
Sau khi đã xác định được mức độ nghiệm trọng và các tổn thất của xe, đơn vị bảo hiểm sẽ đưa ra các phương án khắc phục để chủ xe lựa chọn. Thông thường sẽ có hai phương án chính để khắc phục tổn thất của xe ô tô như:
- Sửa chữa: Phương án này được áp dụng khi mức chi phí sửa chữa không vượt quá mức bồi thường tối đa của chính sách bảo hiểm. Chủ xe có thể lựa chọn sửa chữa xe ở hãng hoặc các gara bên ngoài. Nếu sửa xe tại hãng, chi phí bồi thường sẽ dựa trên bảng giá của nhà sản xuất hoặc đại lý cung cấp dịch vụ đưa ra, đảm bảo những linh kiện thay thế chính hãng. Trường hợp chủ xe không tìm được xưởng sửa chữa chính hãng trong khu vực của mình, có thể lựa chọn sửa xe ở các cơ sở bên ngoài, nhưng phải thỏa thuận giá với đơn vị sửa chữa và có hóa đơn đầy đủ để được hưởng bồi thường bảo hiểm.
- Bồi thường tiền mặt: Đây là chính sách bồi thường bảo hiểm chỉ áp dụng cho trường hợp xe bị hỏng nặng và không tìm được linh kiện thay thế trên thị trường. Để xác định số tiền cần đền bù, nhân viên giám định sẽ dựa trên giá trị thực tế của chiếc xe và yếu tố về mức độ hư hỏng cũng như tuổi đời của xe. Nếu chủ xe không đồng ý với mức đền bù mà đơn vị bảo hiểm đưa ra thì có thể khiếu kiện để được giải quyết chính đáng.

Sửa chữa xe ở hãng hoặc các gara bên ngoài (Nguồn: Sưu tầm)
>> Xem thêm:
- Thay vỏ xe mới cần tuân theo những nguyên tắc nào?
- 05 bộ phận ô tô dễ bị hỏng khi di chuyển nhiều trên đường
Bước 5: Hoàn thiện hồ sơ và nhận bồi thường
Bước cuối cùng trong quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô đó là hoàn thiện hồ sơ bồi thường. Lúc này, chủ xe lúc cần phối hợp với nhân viên giám định để tiến hành hoàn thiện hồ sơ, sau đó nhận bồi thường theo yêu cầu và ký xác nhận đã nhận bồi thường. Tuy nhiên, quy định về xử lý bảo hiểm thân vỏ xe ô tô của các đơn vị bảo hiểm sẽ khác nhau, do vậy chủ xe nên tìm hiểu kỹ quy trình của đơn vị bảo hiểm mà bạn chọn mua.
Quy định cơ bản đối với bảo hiểm thân vỏ ô tô hiện nay
Miễn thường là khoản tiền mà người mua bảo hiểm sẽ cùng chi trả với công ty bảo hiểm khi xe ô tô gặp thiệt hại. Đây là một cách để chia sẻ rủi ro, giúp giảm phí bảo hiểm ban đầu cho người mua. Hiện nay, bảo hiểm thân vỏ ô tô cơ bản được chia thành hai loại chính dựa trên cách áp dụng miễn thường:
+ Bảo hiểm miễn thường có khấu trừ: Với hình thức này, nếu chi phí sửa chữa xe của bạn nhỏ hơn mức miễn thường đã thỏa thuận, bạn sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, nếu chi phí sửa chữa lớn hơn mức miễn thường, bạn chỉ cần thanh toán đúng số tiền miễn thường đó, phần còn lại sẽ do công ty bảo hiểm chi trả.
+ Bảo hiểm miễn thường không khấu trừ: Khác với loại trên, bảo hiểm miễn thường không khấu trừ quy định rằng công ty bảo hiểm chỉ bắt đầu chi trả khi chi phí thiệt hại đạt đến một ngưỡng nhất định. Nếu chi phí sửa chữa thấp hơn ngưỡng này, chủ xe sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm chi trả. Ngược lại, khi chi phí vượt qua ngưỡng đã định, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh.
>> Xem thêm: Phân biệt các dòng xe và phân khúc xe ô tô tại Việt Nam
Điều kiện hưởng quyền lợi bảo hiểm thân vỏ ô tô
Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm thân vỏ ô tô đầy đủ, chủ xe cần đảm bảo rủi ro phát sinh phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Tai nạn xảy ra do yếu tố khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ xe như va chạm, cháy nổ, bị vật thể nặng rơi trúng,…
- Thiệt hại do các yếu tố thiên nhiên như giông bão, mưa đá, động đất, hỏa hoạn,…
- Bị trộm cắp, trộm mất 1 bộ phận hoặc toàn bộ xe.
- Những sự cố nằm trong phạm vi bảo hiểm hoặc thuộc các mục bảo hiểm mở rộng được chủ xe đăng ký mua thêm.
Lưu ý: các điều kiện và quyền lợi bảo hiểm nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo chung. Điều kiện hưởng bảo hiểm có thể khác nhau tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm và công ty bảo hiểm bạn lựa chọn. Để nắm rõ thông tin chi tiết và chính xác nhất, bạn vui lòng tham khảo trực tiếp các điều khoản trong chính sách hoặc hợp đồng bảo hiểm của mình.
>> Xem thêm:
- Hướng dẫn bác tài cách chọn mua lốp xe ô tô chuẩn xác
- Kiểm tra xe ô tô trước những chuyến đi dài cần chú ý gì?
Những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thân vỏ
Bên cạnh việc nắm rõ quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô, các chủ xe cũng cần phải biết được các trường hợp không được hưởng bảo hiểm này. Cụ thể:
- Chủ xe sử dụng rượu bia hay chất kích thích khi điều khiển phương tiện.
- Xe chở hàng trái phép hoặc đua xe trái phép.
- Các giấy tờ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật xe không còn hiệu lực hoặc không phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Các trường hợp có hành động cố ý gây thiệt hại, tổn thất cho xe.
- Điều khiển phương tiện khi không có giấy phép lái xe hợp lệ.
- Xe vi phạm luật giao thông, đi vào đường cấm hay khu vực cấm.
- Xe không có đầy đủ các thiết bị chiếu sáng theo quy định khi tham gia giao thông vào ban đêm.
- Xe xảy ra sự cố ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
- Xe chở hàng quá tải hoặc chở người quá số lượng quy định.
- Xe ô tô gặp tổn thất do khủng bố, bạo động hay chiến tranh.
- Các điều khoản loại trừ khác theo quy định của đơn vị bảo hiểm (nếu có)
Lưu ý: Đây là các trường hợp không được bảo hiểm thường gặp. Tuy nhiên, các điều khoản loại trừ cụ thể sẽ luôn phụ thuộc vào chính sách và quy định riêng của từng loại hình bảo hiểm, cũng như của từng đơn vị bảo hiểm mà bạn tham gia. Để biết thông tin chính xác nhất, bạn nên tham khảo kỹ hợp đồng bảo hiểm hoặc liên hệ trực tiếp với công ty bảo hiểm của mình.
Nhìn chung, quy trình bảo hiểm thân vỏ ô tô đòi hỏi thực hiện cẩn trọng và tuân thủ các bước đúng quy định. Khi hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình, chủ xe sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ đơn vị bảo hiểm, đảm bảo hưởng đúng quyền lợi bảo hiểm.
Song song với việc bảo vệ tài chính thông qua bảo hiểm, việc chủ động bảo vệ và duy trì chiếc xe trong tình trạng tốt cũng góp phần quan trọng vào sự an toàn và tuổi thọ của xe. Nhận thức được điều này, Bridgestone không chỉ mang đến các sản phẩm lốp chất lượng cao mà còn ưu tiên sự an toàn trong giá trị kinh doanh của mình. Để lan tỏa kiến thức về chăm sóc và bảo dưỡng lốp, Bridgestone thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho nhà phân phối, với mong muốn người dùng sẽ có những hành trình an toàn hơn.
Hơn nữa, bằng nhiều chiến dịch truyền thông với các thông điệp khác nhau, Bridgestone không ngừng nâng cao ý thức về an toàn giao thông đường bộ, đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng giao thông an toàn hơn tại Việt Nam, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn.
Để được tư vấn thêm thông tin chi tiết về các dòng lốp Bridgestone, xin vui lòng liên hệ ngay:
📧 https://www.facebook.com/Bridgestonetirevietnam/
📞 1900 54 54 68